5 sai lầm khi tập tự ngủ cho bé khiến mẹ luyện mãi mà vẫn thất bại
Trong khi có không ít em bé 3-4 tuổi hay thậm chí là lớn hơn vẫn cần mẹ bên cạnh thì mới chịu đi ngủ, thì cũng có những bé tự ngủ, ngủ một mình trong điều kiện ngủ an toàn từ khi chưa đầy 3 tháng tuổi. Tại sao có bé lại tự ngủ được, có bé thì mẹ tập mãi mà con vẫn không thể tự ngủ? Đó là bởi vì một số bố mẹ đã mắc phải những sai lầm khi tập tự ngủ cho bé. Vậy làm thế nào để có thể tránh được những sai lầm này và giúp con tự ngủ thành công? Hãy để Bamboo Life giúp đỡ mẹ nhé!
Không cho con ăn hiệu quả, vỗ ợ hơi chưa kỹ
Cho con ăn hiệu quả luôn là bước đầu tiên mẹ cần làm nếu muốn con tự ngủ thành công. Con chỉ có thể ngủ ngon nếu con ăn đủ no, con không bị tỉnh giấc vì đói.
Trẻ sơ sinh rất dễ bị đầy hơi, hơi được sinh ra liên tục trong quá trình con khóc, bú mút hay tiêu hóa sữa. Con lại chưa thể tự đưa được hơi trong người ra ngoài nên con thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng.
Đó là lý do mẹ cần cho con ăn hiệu quả và vỗ ợ hơi chuẩn chỉnh cho bé, khi được ăn no, vỗ ợ đúng cách, con sẽ thoải mái, nhờ đó con ít khóc và ngủ ngon hơn.
Tính toán sai thời gian thức (Waketime)
Waketime là thời gian thức, tính từ khi bé ngủ dậy, được ăn, được hoạt động sau đó nhắm mắt đi ngủ. Ở mỗi giai đoạn, con sẽ có thời gian thức phù hợp với mức độ phát triển của hệ thần kinh. Cho con thức nhiều hơn, hay ít hơn thì bé đều khó hợp tác khi tập tự ngủ.
Ví dụ: bé A theo EASY 3, thời gian thức là 1h. Giả sử 6 am bé dậy thì 7am bé cần phải nhắm mắt và chìm vào giấc ngủ.
Nhiều mẹ biết đến EASY muộn, khi con được 6 hoặc 9 tuần, và nghĩ rằng “à, mình mới bắt đầu, chắc đi từ EASY3”. Không đâu các mẹ ơi, dù mẹ bắt đầu EASY từ khi nào thì cũng cần cho con sinh hoạt theo lịch phù hợp với lứa tuổi của con. Bé 6 tuần cần theo E3,5, tức là thức 1,5h, ngủ 2h; bé 9 tuần cần theo E4, tức là thức 2h, ngủ 2h,…
Không sử dụng công cụ hỗ trợ
Nhiều mẹ nghĩ tự ngủ là cứ đặt xuống là con tự nhắm mắt ngủ, nhưng trẻ sơ sinh cần có công cụ hỗ trợ thì mới có thể ngủ ngon được.
Không những thế, vì sợ con phụ thuộc vào công cụ hỗ trợ để ngủ nên nhiều mẹ e ngại và không muốn cho con dùng bất cứ thứ gì để tự ngủ. Nhưng ngay cả người lớn cũng dễ ngủ hơn khi ở trong phòng tối, nằm trên chiếc giường với các điều kiện quen thuộc, thì tại sao chúng ta lại ngần ngại khi trao cho con những công cụ hỗ trợ trấn an để con có thể ngủ ngon hơn?
Những công cụ hỗ trợ tự ngủ thường được sử dụng là quấn, ti giả và tiếng ồn trắng. Mẹ an tâm không sợ bé phụ thuộc vì các công cụ này đều cai rất dễ (nếu không muốn nói là siêu dễ).
Không có trình tự ngủ
Trình tự ngủ chính là bước “khởi động” để con hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ và bé sẽ yên tâm, bớt phản kháng khi mẹ đặt con xuống giường.
Tùy vào điều kiện gia đình mà mẹ có thể thiết lập trình tự ngủ cho bé, đó có thể là các hoạt động như: Thay bỉm, tắt điện (kéo rèm), mặc quấn, đặt bé xuống giường và chúc con ngủ ngon.
Nếu không có trình tự ngủ, con sẽ không biết sắp tới là hoạt động nào? Con sẽ không có sự chuẩn bị tinh thần cho việc ngủ. Một sự thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến phản kháng, con khóc nhiều mà không tự ngủ được.
Trẻ sơ sinh chưa biết nói sẽ học mọi thứ bằng quy luật. Không chỉ có trình tự ngủ thiết lập thành quy luật, mà con còn cần quy luật tại các trình tự ăn, trình tự tắm, trình tự thay bỉm… hay to hơn là Lịch sinh hoạt một ngày. Và EASY chính là cách thiết lập quy luật Ăn – Chơi – Ngủ tốt nhất cho bé.
Không đủ kiên nhẫn để áp dụng nút chờ cho con
Có đến 90% các mẹ thất bại khi tập tự ngủ cho bé là vì không thể áp dụng nút chờ.
Nếu tìm hiểu về EASY và tự ngủ, mẹ sẽ rất quen thuộc với khái niệm “nút chờ” – thời gian quan sát và giải mã tiếng khóc của bé. Nghĩa là nếu muốn tập cho con tự ngủ, mẹ sẽ cần nghe tiếng khóc của con để hiểu con muốn gì và hỗ trợ con nếu con có nhu cầu.
Tùy vào độ tuổi của con mà thời gian của nút chờ sẽ thay đổi, ví dụ đối với trẻ 0-10 tuần thì nút chờ tối đa là 5 phút. Nhưng đây cũng chính là khó khăn mà bố mẹ khó vượt qua nhất khi luyện tự ngủ cho bé với nút chờ.
Vì tâm lý chung của bố mẹ là sẽ vội vàng tìm cách để con nín khóc. Chỉ cần con cất tiếng khóc là trong thâm tâm bố mẹ nghĩ ngay rằng con gặp chuyện không ổn, nên bố mẹ không thể chờ hết thời gian của nút chờ, dẫn đến tự ngủ thất bại.
Trên đây là những sai lầm mà bố mẹ thường mắc phải mỗi khi tập tự ngủ cho bé. Hy vọng thông tin này sẽ giúp bạn có thể luyện cho bé tự ngủ một cách hiệu quả nhất.
Bình luận